*Mô hình nuôi tôm công nghệ cao: xoay vòng vốn nhanh
Nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao là một mô hình giúp tăng năng suất sản phẩm nhờ kiểm soát toàn bộ quy trình nuôi, thông qua các công nghệ cho ăn tự động, đến kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước; hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí lại hợp lý, liên hoàn từ hệ thống ao chứa và xử lý, ao lắng, ao trữ nước, ao nuôi, và có hệ thống xử lý chất thải.
Đến ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, hỏi về ông Nguyễn Trường Đại, hầu như người dân địa phương ai cũng biết, bởi ông chính là người đi tiên phong trong việc nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao, thay thế cho hình thức nuôi tôm truyền thống vốn có năng suất thấp, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Trường Đại, việc nuôi tôm công nghệ cao hay nuôi tôm thâm canh trong nhà lưới theo quy trình CPF (ao nuôi được lót bạt và phủ lưới) rất hiệu quả. Với cách nuôi này đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu chọn con giống sạch bệnh, chất lượng đến tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào, sử dụng men vi sinh chứa vi khuẩn có lợi cạnh tranh, ức chế với vi khuẩn có hại. Đặc biệt, ao nuôi được thiết kế để các chất thải, chất bẩn tập trung lắng xuống khu trũng ở đáy ao, người nuôi vệ sinh hằng ngày và hút các chất bẩn ra khỏi ao nuôi nên hạn chế được rủi ro dịch bệnh cho tôm nuôi, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, chỉ sau 90 ngày đã đạt trọng lượng khoảng 25-30 con/kg.”
Nếu nuôi tôm theo cách truyền thống thì thường mỗi năm sẽ chỉ nuôi được một vụ tôm. Doanh thu sẽ nằm ở mức khoảng 1/2 so với số vốn chi ra trong quá trình nuôi. Tuy nhiên, nuôi tôm theo cách truyền thống (nuôi trong ao đất, lấy nước từ sông…) ngày càng không đảm bảo an toàn cho tôm, tôm dễ mắc dịch bệnh do ô nhiễm nguồn nước. Trái lại, việc nuôi tôm theo công nghệ mới sau một thời gian nuôi tại ao cấp 1 thì chuyển sang nuôi cấp 2, 3 nên kiểm soát được hội chứng chết sớm ở tôm nuôi hiện nay. Ngoài ra, việc xử lý nguồn nước triệt để qua 3 giai đoạn, sử dụng các chất diệt khuẩn như Thuốc tím (KMnO4) Iodine, BAC, Chlorine đã ngăn ngừa được tối đa các bệnh hay xảy ra trên tôm như bệnh đốm trắng, bệnh gan tụy cấp, bệnh do vi bào tử trùng… làm tôm khoẻ mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, tăng năng suất đầu ra. Với mô hình này, người nông dân có thể nuôi liên tục từ 3-4 vụ/năm, mật độ nuôi dày hơn gấp nhiều lần so với cách nuôi truyền thống, do đó giúp bà con quay vòng vốn nhanh, không để thời gian trống ao lâu, gây lãng phí tài nguyên.
Cũng theo ông Đại cho biết: “Gia đình tôi chọn giống tôm thẻ chân trắng để nuôi, với việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm đã mang lại thu nhập cao cho gia đình. Mấy tháng gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid 19, giá tôm giảm mạnh, nhưng tôm nhà tôi vẫn bán được với giá 130.000-150.000 đồng/kg tôm cỡ 25-30 con/kg, cao hơn 20.000-40.000 đồng so với các hộ nuôi theo mô hình truyền thống. Tuy nhiên chi phí bỏ ra ban đầu khá cao khiến cho nhiều người vẫn e dè trong việc chuyển đổi.”
* Để nhân rộng mô hình
Từ hiệu quả mô hình nuôi tôm của ông Nguyễn Trường Đại, nhiều người dân địa phương đã học hỏi làm theo. Trong số đó có ông Nguyễn Huy Bình, ở ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Từng là một cán bộ ngành nông nghiệp xã, năm 2014, ông Bình quyết định xin nghỉ về nhà nuôi tôm. Ban đầu, ông đào ao nuôi tôm theo cách truyền thống là nuôi trong ao đất. Do không áp dụng khoa học kỹ thuật và cũng không có nhiều kinh nghiệm nên mấy vụ liên tiếp ông đều thất bại. Đến năm 2017, sau khi tìm tòi, nghiên cứu tài liệu và tham quan mô hình nuôi tôm thành công của ông Nguyễn Trường Đại, ông Bình đã chuyển sang nuôi tôm ao lót bạt. Việc tổ chức nuôi với mật độ cao (từ 180 – 200 con/m2), ao lót bạt, diện tích nhỏ giúp ông quản lý và kiểm soát tốt hơn từ khâu cho ăn đến khâu vệ sinh và xử lý dịch bệnh. Với quy trình nuôi này, con tôm phát triển khỏe mạnh, giúp giảm hao hụt trong quá trình nuôi. Nhờ vậy, kết quả trong vụ năm 2019, với 2 ao nuôi (1.500 m2 và 1.800 m2) ông có thể thu được 15 tấn tôm thẻ chân trắng, giá bán trung bình 170.000 đồng/ kg. Tuy chỉ mới áp dụng từ 3 năm nay, mô hình nuôi tôm ao lót bạt đã mang về cho gia đình ông Nguyễn Huy Bình mỗi năm vài tỷ đồng, sau khi trừ chi phí.
Hiện nay, với sản lượng vượt trội, tỷ lệ thành công cao đang khiến cho diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tăng nhanh. Từ đó đã tạo ra bước đột phá mới, mở ra nhiều triển vọng cho ngành thủy sản. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi người nuôi tôm phải có kỹ thuật cao, cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật thường xuyên, liên tục để đảm bảo thành công trong sản xuất.
Theo đánh giá tổng hợp của phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, năng suất tôm trung bình của các hộ ứng dụng công nghệ cao đạt 45 tấn/ha/vụ, doanh thu bình quân 2 tỷ đồng/ha. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương vận động, khuyến khích, hướng dẫn các hộ còn lại chuyển đổi mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để có thu nhập tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như phát triển nền kinh tế bền vững chung của toàn huyện.
Bích Ngọc - Công Đức (TTDVNN tỉnh)
|