Vĩnh Cửu: Nông dân tự nguyện sản xuất bưởi da xanh
theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nằm tại ấp 1 xã Hiếu Liêm
trên tổng diện tích đất 04 ha, vườn bưởi da xanh của gia đình ông Nguyễn Văn
Thanh được biết đến như một điểm sáng trong việc áp dụng quy trình sản xuất
nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Được bao bọc xung quanh bởi lòng hồ Trị An và
lòng sông cũ, đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi để mô hình ngăn cách với
nguồn sâu bệnh từ vùng sản xuất thông thường bên ngoài. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng
giúp mô hình đạt hiệu quả chính là từ nhận thức đúng đắn và niềm đam mê sản
xuất nông nghiệp sạch, an toàn của chủ mô hình là ông Nguyễn Văn Thanh.
Bắt đầu từ năm 2016, ông
Thanh từng bước chuyển đổi, áp dụng trồng trọt theo hướng hữu cơ. Đất trồng được
ông tiến hành cày bừa kỹ, phơi khô để tiêu diệt nguồn sâu bệnh có hại trong
đất, lên líp để đảm bảo việc thoát nước tốt cho vườn vào mùa mưa sau đó bón lót
phân hữu cơ hoai mục. Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có ích sinh
sống, điều hòa cân bằng sinh thái trong vườn, các loại cỏ mọc được giữ lại, khi
cần thiết chỉ sử dụng biện pháp thủ công để cắt tỉa tuyệt đối không dùng thuốc
diệt cỏ. Trong quá trình canh tác, ông Thanh chủ yếu dùng kết hợp phân hữu cơ
đã ủ hoai mục, phân cá, phân trùn quế, bánh dầu để cung cấp dinh dưỡng cho cây,
đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt. Trường hợp phát hiện các đối tượng sâu
bệnh, gây hại cần phải phun xịt chủ vườn chỉ sử dụng thuốc thảo mộc hoặc các
loại vi sinh để phòng trừ. Ông Thanh sử dụng các loại thuốc tự pha chế như các
chế phẩm từ IMO, gừng, tỏi, ớt rồi ngâm với rượu để phun xịt hoặc các loại
thuốc vi sinh phổ biến trên thị trường. Với niềm đam mê, chịu khó học hỏi, ông
Thanh đã tự sản xuất được phân bón hữu cơ vi sinh và các chế phẩm phòng trừ sâu
bệnh đủ để phục vụ cho vườn bưởi của mình, tiết kiệm chi phí đầu tư.
Theo ông chia sẻ, yếu tố
không kém phần quan trọng trong canh tác bưởi theo hướng hữu cơ là thực hiện
tốt việc tỉa cành tạo tán, tạo sự thông thoáng trong vườn, góp phần hạn chế các
đối tượng sâu bệnh gây hại, bón đầy đủ dinh dưỡng giúp cây khỏe mạnh, có sức
chống chịu tốt kết hợp thực hiện thăm vườn thường xuyên để có biện pháp phòng
trừ hiệu quả, kịp thời.
Nhờ áp
dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế tối đa sử dụng phân thuốc
hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, chỉ sử dụng thuốc sinh học, thuốc thảo
mộc khi chăm sóc cây bưởi, vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Thanh phát triển
khỏe mạnh, lá xanh, bóng đẹp, trái lớn màu sáng, năng suất cao. Qua 4 năm đầu
tư công sức chăm sóc, cây bưởi không phụ lòng người. Trong năm 2019 cũng là năm
đầu tiên của vụ thu hoạch, ông Thanh đã thu được khoảng 10 tấn bưởi /ha với giá
bán 30 ngàn đồng/kg, mang về thu nhập 300 triệu đồng. Dự kiến bước sang năm
2020 năng suất bưởi ước đạt được 20 tấn/ha. Nhờ sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ
nên sản phẩm bưởi da xanh của gia đình ông Thanh có chất lượng cao, hương vị
đậm đà, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo quản được lâu nên thương lái và
người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Theo đánh giá của ông Lương Thành Trung, Phó Giám
đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, việc áp dụng và tuân thủ tốt
một số bước quan trọng trong sản xuất hữu cơ là cơ sở để nông dân nâng cao được
giá trị đất trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân và phù hợp với
định hướng phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay. Những mô hình sản xuất
nông nghiệp do nông dân tự nguyện thực hiện như thế này rất cần được chính quyền
địa phương quan tâm, khích lệ, tuyên truyền nhân rộng để góp phần mang lại hiệu
quả kinh tế cao cho nông dân trên địa bàn, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn phục
vụ người tiêu dùng, thực hiện tốt bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp
bền vững.
|