Nhiều năm qua, Đồng Nai vẫn giữ nguyên được diện tích rừng phòng hộ ở Biên Hòa và có những đầu tư để trồng bổ sung những cây gỗ lớn nhằm giữ lại “lá phổi xanh” cho thành phố đô thị loại 1. Để làm được điều này chính là nhờ ngành nông nghiệp của tỉnh đã luôn quan tâm, chú trọng công tác quản lý giống, nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa, giống là một trong những khâu quan trọng nhất của trồng rừng, đặc biệt là rừng trồng sản xuất trong vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng.
Diện tích đất lâm nghiệp của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai tiền thân là Trạm trồng rừng Biên Hòa, được UBND tỉnh Đồng Nai giao đất để trồng rừng theo Quyết định số 116/QĐ.UBT ngày 12 tháng 2 năm 1985 với diện tích quản lý 211ha. Trên cơ sở diện tích đất được giao, từ năm 1985, Trung tâm đã triển khai thực hiện trồng rừng trên toàn bộ diện tích theo các chương trình trồng rừng của nhà nước như: Chương trình 327-CT về sử dụng đất trống đồi núi trọc để trồng rừng, Chương trình 661/QĐ-TTg về thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Với mục tiêu xây dựng một khu rừng phòng hộ môi trường và cảnh quan, năm 2005, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án Quy hoạch Xây dựng và Phát triển rừng phòng hộ môi trường, cảnh quan theo Quyết định số 1816/QĐ.CT.UBT ngày 12/5/2005. Trung tâm từng bước thay thế dần các cây trồng keo, bạch đàn bằng các loài cây gỗ lớn dần hình thành một khu rừng phòng hộ, môi trường và cảnh quan của thành phố gồm nhiều loài cây bản địa của vùng Đông Nam Bộ cũng như sưu tập thêm một số loài cây gỗ quý trên cả nước để tạo nhiều tầng, nhiều tán, có thực vật đa dạng phong phú, tạo mô hình lâm viên, phục vụ tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ ngơi giải trí cho công nhân viên và người dân địa phương, là lá phổi xanh của thành phố Biên Hòa.
Để chủ động trong việc xây dựng và phát triển rừng đơn vị, từ những năm 2000, Trung tâm đã thực hiện xây dựng vườn ươm cây giống lâm nghiệp và đến năm 2012 trên cơ sở dự án ừng phòng hộ cảnh quan, vườn ươm cây giống lâm nghiệp đã được đầu tư xây dựng với diện tích 6,77 ha và được trang bị đồng bộ các trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất như nhà giâm hom, nhà gieo ươm, nhà trộn phân, bể nước ngầm, hệ thống ống tưới nước và đường ống thoát nước… cùng với đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề.
Từ mục đích ban đầu xây dựng vườn ươm phục vụ cho việc trồng rừng của đơn vị, Trung tâm đã thực hiện sản xuất kinh doanh cung cấp nguồn cây giống có chất lượng cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh với các loài cây gỗ lớn như: dầu, sao, gõ đỏ, gõ mật, cẩm lai, căm xe, giáng hương, sưa, trắc, bằng lăng, trám đen, sấu, xà cừ, lim xanh, lim xẹc, lát hoa, keo lai...có năng suất cao. Kết quả sản xuất kinh doanh, ngoài cung ứng giống cây trồng rừng cho đơn vị và các huyện thị trong tỉnh, hàng năm vườn ươm Trung tâm còn cung cấp ra thị trường các tỉnh bạn như Sóc Trăng, Kiên Giang, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Bình Định… khoảng 400.000 cây giống các loại.
Theo bà Nguyễn Thị Thuận, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của vườn ươm, đáp ứng nhu cầu sản xuất, phát triển giống cây lâm nghiệp, Trung tâm đã và đang áp dụng theo dõi quản lý cây giống theo chuỗi hành trình giống lâm nghiệp. Theo đó, các hoạt động xây dựng nguồn giống, sản xuất vật liệu giống đến sản xuất cây con ở vườn ươm và sử dụng cho trồng rừng là các bước kế tiếp, khép kín, liên quan chặt chẽ với nhau và có ảnh hưởng qua lại mật thiết, như các mắt xích trong một sợi dây xích, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng giống đưa vào trồng rừng. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, cung ứng giống chất lượng tốt cũng là cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng cho người sử dụng giống.
Ngoài ra để mở rộng và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời gian tới, Trung tâm sẽ liên doanh liên kết, mở rộng sản xuất, gieo tạo thêm những loài cây ăn trái, cây phong lan, cây cảnh…, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao hiệu quả của vườn.
Cùng với việc cung ứng cây giống, Trung tâm thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân về lựa chọn cây giống trồng phù hợp, quy trình kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ rừng góp phần nâng cao hiệu chất lượng rừng trồng, cũng như cải thiện đời sống kinh tế của hộ dân trồng rừng./.
|